Auckland là thành phố lớn nhất nước New Zealand (Tân Tây Lan). Nó nằm ở đảo Bắc (North Island). Auckland được biết đến với biệt danh “Thành phố thuyền buồm” (City of sails). Bến cảng ở đây rất vui, rộn rịp tàu bè, đặc biệt là thuyền buồm. Lang thang ở đây rất thú vị. Ở đây có nhiều quán ăn và quán cà phê, ngồi nhâm nhi một tách cà phê, ngó cảnh tượng thuyền buồm trong hải cảng này, cuộc đời vui lắm.
Hãy cùng Phượt lên đỉnh tổng khám phá các địa điểm hấp dẫn nơi đây…
Thành phố nhìn từ bờ bên kia |
1. Auckland Museum (Bảo Tàng Viện Auckland)
Còn được biết đến với tên “Auckland War Memorial Museum” (Bảo Tàng Viện kỷ niệm chiến tranh). Đây là một trong những bảo tàng viên quan trọng nhất của nước Tân Tây Lan.
Tại đây được trưng bày nhiều kỷ vật lịch sử của Tân Tây Lan đặc biệt của vùng Auckland, những di tích lịch sử tự nhiên (natural history) và lịch sử quân sự.
Bảo Tàng Viện Auckland trưng bày nhiều di tích lịch sử và văn hoá của người thổ dân Maori và dân các đảo trên Thái Bình Dương. Ở đây cũng trưng bày khoảng 1.2 triệu hình ảnh và 1.5 triệu di tích mọi khía cạnh của lịch sử tự nhiên nước Tân Tây Lan, như cây cỏ, thực vật, địa lý v.v. Ở đây cũng có đài tưởng niệm những liệt sĩ đã hy sinh trong đệ nhất và đệ nhị thế chiến, cùng nhiều di tích lịch sử chiến tranh.
Tòa nhà Bảo Tàng Viện Auckland rất độc đáo, với kiến trúc tân-cổ điển rất đẹp. Đây là một trong những tòa nhà đẹp nhất của thành phố Auckland. Tòa nhà này được xếp vào hàng một trong những kiến trúc Hy Lạp-La Mã (Greco-Roman) đẹp nhất Nam Bán Cầu. Nó nằm trong công viên Auckland Domain, một công viên lớn nhất ở đây. Nó nằm trên miệng một núi lửa đang ngủ, bên cạnh trung tâm thương mại thành phố này.
2. Vườn Hồng Parnell ở Auckland
Còn được biết đến với tên Công Viên “Dove-Myer Robinson“. Đây là vườn hồng lớn nhất và nổi tiếng nhất thành phố này. Ở đây có 5,000 bụi hoa hồng nở rất đẹp vào tháng 11 mỗi năm.
Nhiều hoa hồng ở đây được gây giống bởi những nhà gây giống (breeder) nổi tiếng thế giới, nên mặc dầu nhỏ, ở đây có nhiều hoa hồng quí. Hơn thế ở đây có cây “Manuka” già nhất và cây “Pohutukawa” lớn nhất thành phố Auckland. Hai cây nầy thuộc “Họ Đào kim nương“.
Dove-Myer Robinson là thị trưởng được bầu nhiều lần ở Auckland. Ông là thị trưởng cai trị lâu năm nhất, phục vụ 18 năm liền trong chức vụ này. Để tôn vinh ông, người ta đã lấy tên ông đặt tên cho vườn hồng lớn nhất ở đây.
Mỗi tháng 11 ở đây có tổ chức Lễ Hội Hoa Hồng Parnell rất vui, có ca nhạc giúp vui, có bán nhiều món hàng thủ công nghệ và tranh ảnh cho du khách, hấp dẫn lắm.
3. Bãi biển Mission Bay
Nằm trong vùng ngoại ô của thành phố Auckland cách trung tâm thương mại khoảng 7 cây số về phía Đông. Một ngày đẹp trời mùa xuân mấy tuần trước vợ chồng tôi đã đến đây thăm viếng.
Bãi biển này nằm bên cạnh khu nhà giàu Orakei và Đài Tưởng Niệm Savage. Sau khi thăm viếng khu này, vợ chồng tôi đã đến lang thang khu bãi biển Mission Bay ăn trưa. Tuyệt vời quá. Mùa xuân ở đây mát mẽ dễ chịu. Bãi biển này rất thơ mộng, được dân Auckland thích đến tắm.
Tại sao đặt tên bãi biển này là Mission Bay (Hội truyền giáo ở vùng Vịnh)? Tại vì ngày xưa hội Truyền Giáo “Melanesian Mission” (Hội Truyền Giáo vùng Melanesia) nằm trong vùng này, và được cấp phần lớn khu đất ở đây, nên dân chúng quen gọi vùng này là vùng đất của hội truyền giáo.
Khu này cũng được biết đến với tên “Flying School Bay” (Vịnh có trường dạy bay) tại vì ngày xưa những năm sau đệ nhất thế chiến, ở đây có trường dạy bay do hai anh em nhà họ Walsh (Walsh Brothers) làm chủ. Họ thường đáp máy bay seaplane (Thuỷ phi cơ) của họ trên biển ở đây.
4. Orakei
Là khu ngoại ô giàu nhất thành phố Auckland. Nhà cửa ở đường “Paritai Drive” thuộc khu nầy mắc nhất Tân Tây Lan, nhà nào giá cũng từ 3 triệu đến 12 triệu đô la.
Ngoài vấn đề nhà cửa mắc tiền ngó xuống Cảng Waitemata rất đẹp, Orakei còn nổi tiếng nhờ 2 sự kiện: Đài Tưởng Niệm Savage, vị anh hùng dân tộc Tân Tây Lan nằm ở đây, trên đồi Bastion Point, và đây là nơi xảy ra cuộc biểu tình đẫm máu 507 ngày của dân Maori đòi đất.
Cuộc biểu tình đòi đất của người Maori năm 1977 đã gây sự chú ý của cả nước Tân Tây Lan, và thế giới. Đây là cuộc biểu tình đẫm máu, chấm dứt bằng sự đàn áp của lực lượng 800 cảnh sát và quân đội.
Nguyên nhân người Maori đòi đất là vì đất đai ở đây đã bị chánh quyền Tân Tây Lan ép buộc họ bán với giá rẻ, với lý do lấy đất để lo cho việc công. Tuy nhiên khi họ thấy chánh phủ lấy đất lo cho việc tư, bán đất cho nhà giàu xây nhà, đất đai ở đây giá mắc nhất nước, họ đã tranh đấu quyết liệt.
Họ đến đây dựng lều dựng trại ở đây gần 2 năm để tranh đấu. Chánh phủ đàn áp giải tán họ, nhưng những năm 1980, chánh phủ đã xin lỗi và trả lại một số lớn đất đai ở đây cho người Maori.
5. Đài Tưởng Niệm Savage
Vị anh hùng cách mạng của nước New Zealand nằm tại Bastion Point ở khu ngoại ô Orakeicách trung tâm thành phố khoảng 5 cây số. Michael Joseph Savage được chôn ở đây. Đài tưởng niệm này nằm trên đỉnh đồi ngó xuống Cảng Waitemata, rất đẹp.
Bastion Point nằm trên đồi ngó xuống Cảng Waitemata (hay cảng Auckland). Đây là một khu đất lịch sử đã chứng kiến cuộc biểu tình 507 ngày của người Maori đòi lại đất của tổ tiên.
Cuộc biểu tình chánh thức chấm dứt ngày 25 tháng 5 năm 1978 khi lực lượng 800 cảnh sát và quân đội được điều động để đàn áp họ. Những năm 1980 chánh quyền New Zealand đã chánh thức xin lỗi họ về việc này, và đã đền bù xứng đáng.
Đất đai ở vùng Orakei mắc nhất Auckland và cả Tân Tây Lan. Vợ chồng tôi đã lấy City Tour chạy vòng quanh khu này, đất đai ngó xuống Cảng Waitemata rất đẹp và thơ mộng, nhà nào cũng giá vài triệu đô la trở lên.
Đài Tưởng Niệm Savage rất vĩ đại, tưởng nhớ vị anh hùng cách mạng của Tân Tây Lan, đã tạo nên đạo luật về an sinh xã hội công bằng hơn cho người dân nước này. Ông là lãnh tụ đầu tiên của Đảng Lao Động, và là vị Thủ Tướng được dân Tân Tây Lan yêu mến nhất.
Michael Joseph Savage sanh năm 1872 và chết năm 1940. Nhật báo “The New Zealand Herald” đã bầu chọn ông là người Tân Tây Lan của thế kỷ (The New Zealander of the Century) vào năm 1999.
Tàu buồm “Pride of Auckland” chạy trong cảng Auckland, nhin thành phố từ ngoài biển rất đẹp. Tàu nầy dài 50 feet tức 15 thước nên tương đối chạy rất êm. Tàu đã từng tham gia chạy đua trước đây. Nghe nói đây là một trong những chiếc tàu đã từng đoạt giải thưởng chạy đua chống lại đội Mỹ trước đây.
Năm 2000 giải thưởng vô địch đua thuyền buồm nổi tiếng thế giới tên “America’s Cup Challenge” được tổ chức ở đây. Năm đó đội nhà Kiwis của Tân Tây Lan đã thắng đội Mỹ.
Hải Cảng Auckland (Auckland Harbour) còn được biết đến với tên Maori “Hải Cảng Waitemata“. Theo tiếng Maori “Wai Te Maata” có nghĩa là “Obsidian Glass“. Người Maori lần đầu đến đây đã thấy nước bến cảng nầy long lanh rất đẹp nên họ đã đặt tên cảng này là “Wai Te Maata“.
Eo đất Auckland (Auckland Isthmus) có hai cảng. Cảng Waitemata nằm ở bờ biển phía Đông và Bắc của eo biển này. Cảng Manukau nằm ở bờ biển cạn phía Nam. Cảng phía Bắc sâu hơn, nên tàu bè ra vào rộn rịp hơn. Trên vùng cảng phía Bắc có cầu Auckland bắc ngang qua cảng Waitemata. Cầu này được biết đến với tên cầu cảng Auckland (Auckland Harbour Bridge).
Hải Cảng Auckland (Auckland Harbour) rộng 70 dặm vuông (Square miles) nối liền khu bến tàu thành phố này và vùng bờ biển Auckland (Auckland waterfront) với sân Golf Hauraki và vùng bờ biển Thái Bình Dương.
Hải cảng này được thiên nhiên ưu đãi. Cảng được bảo vệ chống lại bảo tố đến từ Thái Bình Dương nhờ 3 rào cản sau đây: vùng thành phố North Shore (North Shore City), đảo Rangitoto và đảo Waiheke.
7. Cầu Hải Cảng Auckland (Auckland Harbour Bridge)
Là cầu dài nhất và lớn nhất đảo Bắc (North Island), và dài hạng nhì ở nước Tân Tây Lan (New Zealand). Từ 7-9 giờ sáng khoảng 40% những người qua câu này đều dùng xe bus đi ngang qua, thay vì lái xe riêng.
Cầu nầy bắc ngang qua cảng Waitemata (tức là cảng Auckland), nối liền Vịnh St Mary ở Auckland với vùng Northcote ở thành phố North Shore City. Northcote là ngoại ô của thủ đô Auckland nằm dọc bờ biển phía Bắc.
Cầu Hải Cảng Auckland (Auckland Harbour Bridge) rộng 8 lằn xe chạy, dài khoảng 1,020 thước (3,348 ft). Nhịp cầu chánh dài khoảng 243.8 thước và cao đến 43.27 thước trên mặt nước, do đó nhiều tàu lớn có thể đi ngang qua đây.
Cầu này được coi như là niềm hãnh diện của người dân Auckland nói riêng và Tân Tây Lan nói chung. Thế nhưng có nhiều người chỉ trích nói cầu này giống hình dáng một “coathanger” (cái móc áo choàng). Nhiều người khác lại phàn nàn nó “sao chép” giống hệt cầu Vịnh Sydney (Sydney Harbour Bridge).
Cầu lên đèn buổi tối |
(Cavicu ST-TH)
0 comments